NĂM 2024: "NĂM THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN"

Trang chủ » Tin Tức » Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền "là đạo đức, là văn minh"

Thứ ba - 08/02/2022 15:39
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng đúng vào dịp cả nước đón Xuân vui Tết Nhâm Dần. Đây là sự hòa quyện giữa đất trời Mùa Xuân với Tổ quốc và Nhân dân, sự thống nhất giữa ý Đảng - lòng Dân với khí thế mới, tinh thần mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
 
 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ngày 5/9/1960 (Ảnh: hochiminh.vn)

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930-3/2/2022) đúng vào dịp cả nước đón Xuân vui Tết Nhâm Dần. Đây là sự hòa quyện giữa đất trời Mùa Xuân với Tổ quốc và Nhân dân, sự thống nhất giữa ý Đảng - lòng Dân với khí thế mới, tinh thần mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ra quân huấn luyện năm 2022.

Đảng ta - một đảng mác xít kiểu mới do Bác Hồ sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện đã trở thành chính Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhân dịp vui Xuân đón Tết Nhâm Dần, chúng ta dành thời gian nghiên cứu, nắm vững tính tất yếu ra đời, vai trò, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Quân đội ta.

Bác Hồ - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân - là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền để chỉ rõ nguồn gốc, bản chất và nhấn mạnh vị thế, vai trò của Đảng ta với tư cách là tổ chức đảng duy nhất trong hệ thống chính trị ở Việt Nam nắm giữ quyền lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong Di chúc, Bác viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” [1].

Đúng vậy, ở Việt Nam từ trước đến nay chưa có một đảng yêu nước nào được tổ chức chặt chẽ, khoa học, được nhân dân hết lòng ủng hộ, giúp đỡ ngay từ khi mới ra đời như Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là kết quả vận động, phát triển chín muồi của các điều kiện khách quan và sự chuẩn bị chu đáo, hiệu quả của các nhân tố chủ quan, nhất là sự thừa nhận, tin tưởng, yêu mến, suy tôn, ủy thác và ra sức xây dựng, bảo vệ Đảng của nhân dân. Đó là điều căn cốt nhất giúp Đảng ta trở thành một Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo cách mạng, là “đạo đức, là văn minh”.

Theo nguyên tắc chung và đặc điểm riêng, từ ngày 2/9/1945, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức trở thành Đảng Cộng sản cầm quyền đúng bản chất, ý nghĩa, vai trò và sứ mệnh của mình để lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cần nhận thức đúng tính tất yếu lịch sử để thực hiện tốt vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng.

Đảng cầm quyền là khái niệm của khoa học chính trị, dùng để chỉ một đảng chính trị đại diện cho giai cấp đang nắm quyền lực và lãnh đạo chính quyền để tổ chức, quản lý đất nước, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Để trở thành đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản phải lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh, chống “thù trong, giặc ngoài”, tiến hành cuộc cách mạng vô sản hoặc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để lật đổ chính quyền của giai cấp bóc lột, thiết lập chính quyền mới của giai cấp công nhân. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang ấy.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, giành được chính quyền về tay mình (năm 1945), Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và bộ máy của mình tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Khi Đảng ta nắm được quyền thống trị, thì điều đó có nghĩa là “nắm quyền đó với ý thức là chỉ một mình mình nắm”[2]; không chia sẻ quyền lực cho các đảng chính trị khác; thực hiện thể chế nhất nguyên, không có đảng đối lập tranh giành quyền lực nhà nước. Điều này đúng với sự khẳng định của V.I.Lênin: Trong chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ có một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản cầm quyền. Nó là kết quả tất yếu của quá trình lãnh đạo cách mạng và là một nguyên tắc bất di bất dịch trong nắm quyền lãnh đạo, chúng ta đã nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc.

Đối với Đảng ta, “Đảng cầm quyền” đã chứa đựng trong đó “Đảng lãnh đạo”, Đảng nắm chính quyền lực Nhà nước, hóa thân vào Nhà nước nhưng không bao đồng, làm thay Nhà nước. Đảng cầm quyền, thực chất là sử dụng Nhà nước, lãnh đạo Nhà nước và hệ thống chính trị thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Đảng cầm quyền và Nhà nước quản lý là hai trung tâm quyền lực có nguồn gốc, vị trí, vai trò khác nhau. Vì vậy, không thể đồng nhất quyền lực của Đảng với quyền lực của Nhà nước. Quyền lực của Đảng cầm quyền thể hiện rõ nhất ở quyền lực về chính trị: Đảng vạch ra cương lĩnh, chủ trương, đường lối, định hướng chính trị để lãnh đạo Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân tộc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng. Quyền lực của Nhà nước là quyền lực quản trị xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, tổ chức phục vụ xã hội, kiến tạo và phát triển đất nước theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Với tư cách là một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nội dung lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, về thực chất, là những nội dung Đảng cầm quyền nhưng sự cầm quyền ấy được nhân dân thừa nhận, Hiến pháp và pháp luật hiến định. Đảng cầm quyền thông qua sự lãnh đạo các cơ quan công quyền chứ không tự mình biến thành nhà nước, đứng trên nhà nước hoặc làm thay nhà nước. Thực tế này bác bỏ quan điểm sai trái, thù địch khi đồng nhất quyền lực của Đảng với quyền lực của Nhà nước và mưu toan phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021 (Ảnh: Phạm Cường) 

Tính tất yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền

Tính tất yếu lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thể hiện ở vai trò tiền phong gương mẫu của người lãnh đạo là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, thông qua mối quan hệ, liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Khi chưa nắm được chính quyền, Đảng ta phải dựa vào dân, sống trong dân, được dân nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ trước sự truy xét, khủng bố tàn khốc của kẻ thù. Khi trở thành Đảng cầm quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm quyền lực chính trị, sinh mệnh chính trị của nhân dân, quyền lực quản lý nhà nước; nắm tài sản của đất nước, tiền bạc của nhân dân…Tính tất yếu lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lãnh đạo qua mấy điểm sau:

(1) Vai trò cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân Việt Nam thừa nhận, tin tưởng, ủng hộ và suy tôn, được hiến định trong Hiến pháp.

(2) Tính tất yếu lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội thể hiện ở chỗ Đảng xuất hiện đúng lúc, kịp thời giải đáp được tất cả những câu hỏi của các bậc tiền bối, những đòi hỏi bức thiết của cách mạng và của nhân dân; đưa ra các chủ trương, đường lối lãnh đạo cách mạng đúng đắn.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam chịu sự ủy thác làm đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động.

(4) Đảng ta là một đảng cầm quyền. “Một” thể hiện tính duy nhất, hàm ý cả tính tuyệt đối. Đảng không chia sẻ quyền lực với bất kỳ đảng khác trong vai trò cầm quyền của mình.

(5) Mỗi cán bộ, đảng viên của “một đảng cầm quyền thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

(6) Đảng thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nêu gương mẫu mực về phẩm chất, năng lực. Đây là những điều căn cốt nhất của Đảng ta - một Đảng cầm quyền.

Để thực hiện tốt vai trò của một Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, Đảng ta luôn có chủ trương, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo đối với Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra.

Đảng không ngừng đổi mới phương thức cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; tạo mọi điều kiện thuận lợi để những tổ chức này thực hiện tốt vai trò phản biện cho Đảng. Đồng thời, tự điều chỉnh, bổ sung, phát triển chủ trương, đường lối để đổi mới phương thức cầm quyền lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, làm cho ý Đảng - lòng Dân trở thành động lực mới thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; lập thành tích chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng vào năm 2030; đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục giành những thành tựu mới, có ý nghĩa lịch sử và thời đại./.

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, tập 12, tr. 510.

[2] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tập 43, tr. 156

 
Thiếu tướng, PGS, TS, NGND. Nguyễn Bá Dương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Văn bản mới

logokn
spkn
undefined
bnvieclam
logobantin copy
ytuong